Tuvalu – một đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương có điểm cao nhất chỉ cách 4 mét so với mực nước biển, hiện đang đối mặt với nguy cơ bị nhấn chìm bởi mực nước biển dâng cao do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hai trong số chín hòn đảo đã biến mất. Thế nhưng, có một khó khăn lớn cần phải được giải quyết ngay lập tức, hơn cả nỗi sợ hãi rằng một ngày nào đó toàn bộ lãnh thổ sẽ bị biến mất. Đó chính là khủng hoảng về nước uống.

Phần lớn lãnh thổ Tuvalu là các hòn đảo có rạn san hô, nên không dễ để tìm được nước uống. Trong nước ngầm lại có thành phần muối nên không thích hợp để làm nước uống, vì vậy người dân phải dựa vào nước mưa để sống. Mưa rơi ở Tuvalu chính là nước sự sống theo nghĩa đen. Và bồn chứa nước cũng là vật dụng cần thiết không thể thiếu. Những năm gần đây, khi hạn hán ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, người dân bị thiếu nước uống nên cần có thêm nhiều thiết bị để thu gom và tích trữ nước. Thế nhưng, đại đa số người dân đều không có việc làm nên khó có thể mua được bồn chứa nước đắt tiền.

Tại ngôi làng ở phía nam của thủ đô Funafuti thì tình hình còn nghiêm trọng hơn. Ở đây, những người dân chuyển đến từ các hòn đảo lân cận để kiếm sống, họ sống trong những ngôi nhà được làm bằng cách đan xen gỗ chằng chịt lại với nhau và lợp mái bằng ngói đen. Vì ở gần một hố nước đầy rác thải nên mỗi khi thủy triều lên, thì rác trộn lẫn với nước biển bị cuốn trôi vào nhà. Dù hố nước bốc mùi hôi nồng nặc nhưng các em nhỏ vẫn vui chơi ở đó như không có vấn đề gì.

“Vì không có bồn chứa nước nên không có đủ nước cho cả gia đình sử dụng. Nhiều khi chỉ có chừng một xô nước, nên dù rất khát nhưng chúng tôi cũng chỉ được uống từng ngụm một, còn giặt đồ hoặc tắm rửa thì phải đi ra biển. Thế nên chúng tôi rất hay mắc bệnh về da.” Teala, 25 tuổi, người dân.

“Nếu trong nhà không có nước thì tất cả sẽ chết. Thế hệ trước đã đào giếng và uống hết nước ngầm rồi. Giờ chúng tôi sử dụng nước mưa, nhưng vì không thể uống ngay nên chúng tôi trữ nước trong thùng rồi đun lên để uống.” Lagigupu, 57 tuổi, người dân.

Người dân nơi đây nhất trí cho rằng vật dụng thiết thực nhất đối với những người sống trong môi trường cư trú khắc nghiệt chính là bồn nước để tích trữ sẵn nước mưa. Bồn chứa nước nhất định là cần thiết cho sự sinh tồn, song sự hỗ trợ của chính phủ cũng không thể đến được với họ.

Thông qua “Vận động Clean WORLD khắp thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Đại hội đi bộ gia đình yêu thương sự sống mới lần thứ 14” vào năm 2012, Tổ chức WeLoveU Quốc tế đã thu hút sự quan tâm dành cho các người dân tị nạn vì khí hậu bằng cách cho biết về những khó khăn của Tuvalu. Tháng 9 năm 2013, WeLoveU đã trực tiếp thăm viếng để giúp đỡ những người dân Tuvalu.

Ngày 24 tháng 9, WeLoveU đã hỗ trợ trang thiết bị bồn nước có thể chứa được 200.000 lít nước cho một ngôi làng ở phía nam Funafuti, nơi đang khổ sở vì vấn đề nước uống. Lễ trao tặng bồn nước đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 80 người, trong đó có các hội viên WeLoveU như ông Jeong Geun Seung – Giám đốc chi nhánh New Zealand đã được cử đến hiện trường, các quan chức chính phủ gồm Thủ tướng Tuvalu, Thống đốc, Bộ trưởng, các quan chức thành phố cũng như các gia đình được trao tặng.

Thông qua diễn văn khai mạc, Thủ tướng Enele Sosene Sopoaga đã bày tỏ rằng “Tổ chức WeLoveU Quốc tế đã chia sẻ tin tức hạnh phúc rằng sẽ cung cấp bồn chứa nước cho hòn đảo thủ đô và khu vực phía nam. Thay mặt người dân Tuvalu, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc vì sự đóng góp thiện lành của các quý vị để giảm bớt vấn đề về nước uống cho người dân. Tôi vô cùng xúc động khi WeLoveU ra tín hiệu rằng chúng ta có thể hợp tác cùng nhau”, Thống đốc Iakoba Taeia Italeli cũng nhiều lần gửi lời cảm ơn và nói: “Tôi nghĩ rằng các quý vị đã làm một việc rất tốt cho người dân Tuvalu. Mong rằng việc này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới”.

Sau khi lễ trao tặng kết thúc, ngôi làng phía nam đã trở nên đầy sức sống. Việc lắp đặt bồn nước ngay lập tức được bắt đầu ở một số gia đình. Các thanh niên trong làng chọn nơi đặt bồn nước và góp sức để đặt cố định bồn nước vào đúng vị trí, sau đó nối đường ống để dẫn nước mưa chảy xuống. Có nhiều người cùng hiệp sức nên việc lắp đặt bồn chứa nước đã được hoàn thành một cách suôn sẻ, sau đó không lâu, trời đổ xuống cơn mưa của niềm vui.

Khi nước mưa mát lành rơi xuống lấp đầy bồn chứa nước, các em nhỏ hứng nước từ bồn và té nước trong sự vui mừng. Người dân vừa phấn khởi vừa nói rằng “Xin cảm ơn các thành viên của WeLoveU đã từ Hàn Quốc mà đến vì người dân Tuvalu”, “Chúng tôi thật hạnh phúc và cảm thấy bình an vì có nhiều nước. Xin chân thành cảm ơn”.

Tương lai của Tuvalu chính là tương lai của trái đất. Tương lai của một làng địa cầu có những người quan tâm và yêu mến Tuvalu cũng sẽ được lấp đầy bởi niềm hy vọng tươi sáng.