12.000 người gửi cầu vồng hy vọng vì Tuvalu đang trong nguy cơ bị nhấn chìm

“Khi nghĩ đến nỗi đau mà những người tị nạn khí hậu ở Tuvalu đang phải trải qua, Tôi nghĩ đây không phải là chuyện của riêng ai. Mong các vị bước từng bước chân trong khi ước mong tương lai tươi sáng cho Tuvalu. Khủng hoảng của Tuvalu là khủng hoảng của trái đất. Những vị nào có lòng xin hãy cho nhiều người thế giới biết về thực trạng của Tuvalu thông qua Internet, để đánh thức sự quan tâm còn đang ngủ quên của họ. Mong các vị cầu nguyện vì ngày mai tươi sáng và tràn đầy hy vọng của Tuvalu, là hàng xóm của chúng ta.”

Ngày 13 tháng 5, tại Quảng trường Hòa bình Công viên Olympic, khi Chủ tịch Zahng Gil Jah nhắc đến tình cảnh của quốc đảo đang dần biến mất khỏi trái đất do mực nước biển dâng cao trước những người tham dự Đại hội đi bộ gia đình yêu thương sự sống mới lần thứ 14, giọng tiếng của Chủ tịch cũng dần nghẹn lại. Bài phát biểu khai mạc nghẹn ngào vì tiếc thương là lời khiển trách nhẹ nhàng và cũng là lời kêu gọi khẩn thiết, làm tỉnh thức tất cả mọi người khỏi sự thờ ơ để chịu trách nhiệm chung với tư cách là những người hàng xóm trên ngôi làng toàn cầu.

Trong số các quốc gia mà lãnh thổ đang dần bị thu hẹp do mực nước biển dâng cao bởi ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu, quốc gia đầu tiên được dự đoán là sẽ biến mất khỏi trái đất là Tuvalu. Ở Tuvalu, điểm cao nhất so với mực nước biển chỉ là 4 mét. Phần lớn lãnh thổ là các đảo san hô, người dân phải sống nhờ vào nước mưa, và gần đây họ còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước do hạn hán. Nước biển dâng và rác thải chất đống khiến lãnh thổ Tuvalu ngày càng thu hẹp, nhưng các quốc gia xung quanh lại từ chối tiếp nhận người di cư hoặc đưa ra những điều kiện khắt khe. Sự thờ ơ của những hàng xóm trên làng địa cầu khiến họ càng thêm đau lòng.

Đại hội đi bộ gia đình yêu thương sự sống mới lần thứ 14 được WeLoveU tổ chức tại Công viên Olympic và được tài trợ bởi thành phố Seoul, Bộ Môi trường, IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) Hàn Quốc, UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc) Hàn Quốc và Bệnh viện Sejong. Đại hội lần này được tổ chức với khẩu hiệu “Cầu vồng hy vọng cho Tuvalu”, nhằm đưa ra những giúp đỡ thiết thực nhất cho những người tị nạn khí hậu Tuvalu, những người đang đối mặt với vấn đề sinh tồn cấp bách.

Chủ tịch Zahng Gil Jah khích lệ các hội viên và kêu gọi sự quan tâm đối với người tị nạn khí hậu

Chủ tịch tài trợ Lee Soon Jae, Đại sứ Ghana tại Hàn Quốc Margaret Clarke-Kwesi, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Hà Lan tại Hàn Quốc Hary van Woerden

Đại hội lần này có sự tham dự của hơn 12.000 hội viên WeLoveU và người dân, bao gồm Chủ tịch Zahng Gil Jah và ban giám đốc WeLoveU. Nhiều nhân vật trong giới văn nghệ sĩ như Chủ tịch tài trợ Lee Soon Jae, Đại sứ thiện chí Kim Sung Hwan, v.v… đã có mặt dù lịch trình bận rộn; cùng có các khách mời như Đại sứ Ghana tại Hàn Quốc Margaret Clarke-Kwesi, Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Hà Lan tại Hàn Quốc Hary van Woerden, Tổng thư ký Hội đồng Phúc lợi Xã hội Seoul Jeong Yeon Bo và Viện trưởng Viện Thông tin Nhận con nuôi Trung ương Lee Bae Geun. Đại sứ Clarke-Kwesi chia sẻ “Tại Ghana, thời tiết cũng ngày càng nóng lên khiến nhiều người gặp khó khăn, nên tôi rất xúc động khi thấy hôm nay có nhiều người cùng đồng lòng giúp đỡ quốc gia đang gặp khó khăn vì biến đổi khí hậu. Xin cảm ơn vì đã mời tôi đến sự kiện quan trọng và ý nghĩa này”. Chủ tịch tài trợ – diễn viên nổi tiếng Lee Soon Jae gửi lời khen ngợi tới lòng nhiệt tình và tình yêu thương thuần khiết của các hội viên, những người sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để giúp đỡ những người hàng xóm gặp khó khăn trên ngôi làng toàn cầu, và ông tin tưởng rằng “Năm nay sẽ là một năm mang đến hy vọng cho Tuvalu.”

Đoàn Nghi lễ Hợp nhất Ba quân chủng và Đoàn quân nhạc thuộc Bộ Quốc phòng cũng đã hỗ trợ sự kiện ngày hôm đó và nhận được hoan nghênh nhiệt liệt từ những người tham dự nhờ biểu diễn nghi lễ chuẩn mực, ấn tượng cùng phần trình diễn âm nhạc tươi vui, mạnh mẽ. Đoàn Nghi lễ Hợp nhất Ba quân chủng – gồm Đoàn Nghi lễ của Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến và Không quân – phụ trách các sự kiện nghi lễ cấp quốc gia khi có chuyến thăm viếng của nguyên thủ nước ngoài, và cũng thường xuyên biểu diễn nghi lễ cho người dân tại Đài tưởng niệm chiến tranh, Nhà Xanh, v.v… Đội trưởng Đoàn Nghi lễ chia sẻ “Giống như các quý vị mang đến niềm vui, hạnh phúc và hy vọng cho người khác (thông qua phụng sự), chúng tôi cũng tự hào vì được mang đến niềm vui như vậy cho người dân. Mục đích của sự kiện hôm nay thật tuyệt vời và tôi nghĩ các quý vị đang làm việc tốt đẹp ở cấp độ quốc gia”, và nói thêm rằng thật bổ ích khi được tham gia vào hoạt động đầy ý nghĩa nhằm lan tỏa hy vọng đến những người hàng xóm trong ngôi làng toàn cầu.

Tại sự kiện trước buổi lễ, đã diễn ra các tiết mục của Dàn hợp xướng thiếu nhi Sự sống mới và trình diễn nghi lễ của Đoàn Nghi lễ Bộ Quốc phòng. Sau đó, các video liên quan đến người tị nạn khí hậu và hoạt động của các hội viên WeLoveU đã được trình chiếu.

Khoảng 11 giờ, phần 1 là lễ khai mạc bắt đầu với video chúc mừng từ các nhân vật quan trọng ở nước ngoài. Tổng thống Anote Tong của Kiribati – quốc đảo có nguy cơ bị nhấn chìm giống Tuvalu, đã chúc mừng đại hội đồng thời bày tỏ rằng “Vấn đề nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu rất nghiêm trọng, nhưng nhiều người không nhận thức được sự thật này”. Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Rachel Kyte, người phát ngôn Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc Nick Nuttall, v.v… đã gửi lời chúc mừng với nội dung “Tổ chức đại hội đi bộ tại Hàn Quốc để giúp đỡ người tị nạn khí hậu là điều thật sự tuyệt vời và vĩ đại. Chúng tôi thấy thật tự hào khi các quý vị đã tham gia”. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Zahng Gil Jah kêu gọi sự quan tâm dành cho Tuvalu, lần lượt là lời chào mừng của Chủ tịch tài trợ Lee Soon Jae, Đại sứ Ghana Clarke-Kwesi, và Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Hà Lan Hary van Woerden. Phần 1 khép lại với việc Giám đốc Kwon Hyuk Jin đọc bản tuyên bố giúp đỡ người tị nạn khí hậu.

“Vì Tuvalu! Xuất phát!”
Theo lời tuyên bố xuất phát của Chủ tịch Zahng Gil Jah, các hội viên bắt đầu những bước chân đầu tiên nhằm giúp đỡ người tị nạn khí hậu trên thế giới. Trên quãng đường đi bộ dài 2,5km, các hội viên mặc áo phông xanh dương tạo nên làn sóng xanh trôi chầm chậm. Trên các tấm áp phích được đặt trên đường có nội dung “Đừng đi xe mà hãy đi bộ”, “Hãy hô to 26 độ (Nhiệt độ máy lạnh thích hợp vào mùa hè)”, “Hãy rút phích cắm” và “We love Tuvalu” nhằm khơi dậy sự chú ý của mọi người về vấn đề môi trường và người tị nạn khí hậu. Nhiều gia đình vừa đi bộ vừa trò chuyện nghiêm túc về các vấn đề môi trường.

Triển lãm ảnh cho biết về những khó khăn của Tuvalu và góc quyên góp mang tên “Ống tiết kiệm hy vọng” đã được chuẩn bị như là sự kiện bên lề. Ngoài ra, còn có 12 góc như góc trải nghiệm người tị nạn khí hậu, góc quảng bá về người tị nạn khí hậu và góc trải nghiệm sinh thái, nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và cùng tìm kiếm phương án thực tiễn cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các hội viên cho biết “Tìm hiểu về Tuvalu cho chúng tôi tinh thần cảnh giác về các vấn đề môi trường. Biến đổi khí hậu liên quan đến tất cả mọi người trên trái đất, nên chúng tôi hy vọng mọi người sẽ đồng lòng tham gia bảo vệ môi trường”. Họ đều đồng tình rằng vấn đề của Tuvalu không phải là “việc của người khác” mà là “việc của tôi”, “việc của chúng ta”. Trên những mảnh giấy nhỏ dán kín trên bảng thông điệp hy vọng và cả trong những ống tiết kiệm hình trái tim chất đầy trước sân khấu, đều chứa đựng lòng chân thành của các gia đình hội viên để giúp đỡ những người tị nạn Tuvalu.

Trong Kinh Thánh, cầu vồng là chứng cớ cho lời hứa của Đức Chúa Trời rằng sau trận nước lụt thời Nôê, Ngài sẽ không hủy diệt thế gian bằng nước nữa. Một đài truyền hình Hàn Quốc đã phát sóng cảnh những người dân Tuvalu có đức tin đã nhớ đến nội dung này và cầu nguyện xin Đức Chúa Trời không giáng tai vạ bằng nước nữa và bảo vệ họ. Khi mọi người không ngoảnh mặt trước nỗi đau của hàng xóm, đưa tay ra và dành cho họ sự quan tâm cùng lòng chân thành, thì cầu vồng của hy vọng mới sẽ hiện ra ở Tuvalu và cho cả nhân loại.